Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, hãy nêu giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
Vợ chồng A Phủ là một trong ba truyện trong tập Truyện Tây Bắc (in năm 1954) của nhà văn Tô Hoài.
Tác phẩm kể về cuộc đời đôi vợ chồng trẻ người Mèo là Mị và A Phủ. Mị bị bắt về làm con dâu trừ nợ cho nhà thông lý. A Phủ vì dám đánh A Sử, con trai thống lý nên phải làm đầy tớ để trừ tiền phạt vạ. Cùng cảnh ngộ đau khổ, Mị đã cứu A Phủ. Hai người trốn khỏi nhà Pá Tra, tìm đến tận Phiềng Sa, thành vợ, thành chồng, cùng nhau xây dựng cuộc đời mới. Được cán bộ cách mạng giác ngộ, Mị cùng A Phủ trở thành du kích bảo vệ khu giải phóng.
Đây là tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo đáng kể. Thông qua số phận Mị và A Phủ, nhà văn đã dựng lại quãng đời đau khổ, tối tăm của người dân miền núi trước cách mạng và phản ánh quá trình đến với cách mạng của họ. Dưới thời thực dân phong kiến, bọn lang đạo chúa đất ở vùng cao mặc sức làm mưa làm gió. Chúng nắm trong tay quyền lực của hành chính, tập tục và thần linh. Chúng có quyền sinh, quyền sát. Bởi thế tính mạng người dân bị coi như cỏ rác. Điển hình cho tầng lớp thống trị miền núi được miêu tả trong truyện là cha con thống lý Pá Tra với tính cách bạo ngược và lối sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người nghèo.
Cũng như bao tên chúa đất khác, thống lý Pá Tra có đủ mọi thủ đoạn hiểm độc trong việc áp bức, bóc lột dân chúng, đẩy họ vào cảnh bần cùng để rồi mặc nhiên trở thành nô lệ của hắn. Mị và A Phủ là nạn nhân trong bao nạn nhân khác của cha con hắn.
Mị vốn là một cô gái mang đầy đủ phẩm chất tồt đẹp của phụ nữ vùng cao. Đẹp người, đẹp nết, Mị được nhiều trai bản yêu mến. Cuộc sống, tuổi thanh xuân, hứa hẹn với cô bao điều tốt lành. Nhưng chỉ vì món nợ của cha mẹ cô vay thống lý từ ngày cưới cho đến lúc mẹ cô chết vẫn chưa trả được nên Mị phải đem thân làm con dâu trừ nợ cho nhà thống lý. Là người nhưng cô bị coi như một thứ đồ vật vô tri, vô giác để tính ra tiền trừ vào số nợ.
Những ngày Mị sống với cha con tên thống lý là chuỗi dài đau thương, vất vả. Danh nghĩa là dâu nhà quan nhưng thực chất cô là đầy tớ không công, bị coi rẻ hơn cả con trâu, con ngựa. Suốt ngày nai lưng ra làm quần quật, đêm đến cô lại phải thức hầu hạ thằng chồng tàn ác.
Đau khổ, cực nhọc đã cướp mất tuổi xuân của Mị, biến cô thành kẻ nhẫn nhục, cam chịu. Cô gái mèo xinh đẹp, hồn nhiên, đa tình đa cảm thuở nào đã chết. Chỉ còn lại người đàn bà “lúc nào cũng vậy... cũng cúi mặt buồn rười rượi... ”, "ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa... Mị âm thầm “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".
Mị không những bị đọa đày về thể xác mà còn bị đè nén về tinh thần. Mị chán sống nhưng không được chết. Vì cô chết thì món nợ truyền kiếp kia vẫn còn và người cha già càng đau khổ hơn. Cuộc đời Mị bị ràng buộc bằng quyền lực, bị trói buộc bằng tập tục mê tín lâu đời của người dân miền núi.
Cách đối xử bất công, tàn bạo của cha con tên thống lý làm cho Mị ngập chìm trong đau khổ triền miên. Cô lặng lẽ ra vào như cái bóng, không một người bạn chia sẻ tâm tình. Cô chỉ còn biết làm bạn với ngọn lửa “trong những đêm đông dài và buồn". Thân xác Mị, tâm hồn Mị lạnh lẽo, trống vắng, “nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo"... Ngọn lửa là người bạn duy nhất giúp cô xua bớt phần nào bóng tối u ám đang vây phủ cuộc đời cô. Không có người bè bạn, cảm thương với nỗi khổ của mình, tìm đến ngọn lửa, coi nó là bạn. Khổ biết chừng nào!
Dưới ngòi bút của tác giả, cuộc đời bế tắc của Mị chẳng khác gì hình ảnh căn buồng cô ở, kín bưng, tối mò, chỉ thông với bên ngoài bằng lỗ cửa sổ bé như bàn tay, ở trong nhìn ra, không biết là đêm hay ngày, sương hay nắng...
Bao năm qua, Mị bị đọa đày trong nhà thống lý, mọi cảm xúc của cô hầu như tê liệt. Tinh thần phản kháng cũng vậy. Bây giờ, Mị đã nghĩ rằng mình là con trâu, con ngựa của nhà giàu, chỉ biết ăn cỏ và đi làm thôi. Con trâu, con ngựa nhà giàu đêm còn đưực nghỉ, còn cô không lúc nào ngớt việc. Trước kia, cô phản kháng dữ dội bằng cách định ăn lá ngón tự tử, giờ cô không nghĩ đến chuyện chết nữa vì quá quen với cái khổ rồi, vì cho rằng mình sống mà như chết. Đời Mị cứ lặng lẽ trôi đi. Với Mị, cuộc sống chẳng còn nghĩa lý, không còn gợi cho cô ý thức gì về quá khứ, hiện tại, tương lai. Cái ác của bọn thống trị là đã giết chết phần tốt đẹp của con người.
Cuộc đời A Phủ, người con trai Mèo cũng không kém phần nào chua xót. Khỏe mạnh, ngang tàng, phóng khoáng, làm nương giỏi, săn thú tài, A Phủ được bao cô gái say mê, ao ước. Nhưng hạnh phúc không đến với chàng trai nghèo khổ, mồ côi ấy. Vì dám đánh lại A sử con trai thống lí Pá Tra và bị Pá Tra phạt vạ một trăm đồng bạc trắng nên phải đi ở trừ nợ, làm trâu ngựa cho nhà thống lý: “Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”.
Ngày này qua tháng khác, A Phủ phải làm việc cật lực, chăn dắt bầy bò, ngựa đông mấy chục con. Không may một con bò bị hổ ăn thịt, A Phủ bị trói đứng vào cột chờ chết, không được ăn, không được uống.
Con người khí phách ngang tàng như A Phủ mà phải lặng lẽ khóc cho thân phận tủi nhục của mình: “hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai mõm má đã xám đen lại". Chút ý thức phản kháng trong anh đã bị hiện thực phũ phàng dập tắt.
Cuộc sống đau khổ, nô lệ của Mị và A Phủ điển hình cho thân phận người dân nghèo miền núi dưới chế độ cũ. Bần cùng hóa con người, chà đạp lên nhân phẩm, tình yêu, hạnh phúc là chuyện thường thấy ở cả miền xuôi lẫn miền ngược.
Ngòi bút nhà văn tỏ ra sắc sảo trong việc miêu tả con người và cuộc sống vùng cao. Cha con tên thống lý và lũ tay sai là hiện thân của giai cấp thống trị tàn ác, vô nhân đạo. Bọn lý dịch, quan làng, thống quản... lợi dụng chuyện A Phủ đánh A Sử để kéo đến nhà thống lý xử kiện và ăn cỗ “suốt từ trưa cho đến hết đêm". Mấy chục người “hút thuốc phiện rào rào". Cứ mỗi đợt chúng hút xong, A Phủ lại phải quỳ ra giữa nhà để người nhà thống lý xô đến đánh: “Cứ như thế suốt chiều, suốt đêm, càng hút càng tỉnh, càng đánh càng chửi, cùng hút... "
Giá trị hiện thực của truyện ngoài việc tái hiện đoạn đời khổ ải của những người nô lệ còn nói lên một sự thật xót xa: người dân bị áp bức, đè nén quá lâu sẽ bị lê liệt tinh thần phản kháng, sẽ bị đầu độc bởi tâm lý nô lệ. Bạo lực câu kết với thần quyền, với mê tín dị đoan làm cho họ không cất đầu dậy nổi.
Nhưng trong cuộc đời, mọi cái đều có giới hạn. Có áp bức, có đấu tranh, Mị và A Phủ cũng như bao người khác sẽ vùng lên tự giải phóng, giành quyền làm người tự do. Đoạn đời sau của Vợ chồng A Phủ chứng minh quy luật muôn đời ấy.
Trong giá trị hiện thực của tác phẩm đã ẩn chứa giá trị nhân đạo sâu xa. Có căm thù giai cấp thống trị và xã hội bất công, tác giả mới lên tiếng tố cáo mãnh liệt. Có cảm thương số phận đau khổ của con người, tác giả mới viết nên những trang sách gây xúc động mạnh mẽ như vậy.
Nhưng nhà văn không để nhân vật của mình bị dồn vào thế tuyệt vọng. Điều kỳ diệu là dẫu trong cùng cực thế nào chăng nữa thì mọi thế lực tội ác cũng không hủy diệt được sức sống con người. Cách nhìn nhận của Tô Hoài trong tác phẩm này hết sức nhân bản. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt. Từ trong sâu thẳm tâm hồn người con gái bị đọa đày kia vẫn âm ỉ, le lói một ngọn lửa yêu đời, ham sống. Mùa xuân về, Mị lén uống rượu và "lòng Mị thì đang sống về ngày trước, tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng... Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi...". Nhưng rồi thực tại đen tối đã cố tình dập tắt tiếng sáo thiết tha và hình ảnh mùa xuân rực rỡ. Phản ứng tự phát ban đầu của Mị không thể giải phóng được cuộc đời cô nhưng những giây phút trỗi dậy ấy có ý nghĩa thức tỉnh. Giống như đốm lửa âm ỉ trong đám tro tàn, có ngày sắp bùng cháy dữ dội.
Ngày ấy đã đến với Mị trước cảnh A Phủ bị trói. “Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bad ngày trước cũng ở cái nhà này... Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta thân, đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ con biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... người kia việc gì mà phải chết thế...”.
Mị không cầm lòng được trước cảnh con người sắp bị hủy diệt. Mị động lòng thương. Thương người, thương thân, Mị nhớ đến những khổ sở, hãi hùng mà mình phải chịu đựng suốt mấy năm qua. Giọt nước mắt đau khổ của A Phủ như giọt nước làm tràn đầy bình nước. Nó thức tỉnh nỗi đau lắng chìm trong lòng Mị. Cảm thương số phận A Phủ, lòng căm thù cha con tên thống lý độc ác bùng lên, lấn át nỗi sợ hãi, dẫn Mị đến hành động táo bạo ngoài ý thức: cắt dây trói cứu A Phủ.
Đây là hành động bộc phát song nó là kết quả tất yếu của một quá trình bị dồn nén, bức xúc về mặt tinh thần, bây giờ đã đến lúc giải thoát. Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng là cắt đứt tung những dây trói vô hình đã cột chặt cô vào quãng đời tủi nhục bấy lâu nay. Cô vụt chạy theo A Phủ bởi cô ý thức được sự sống còn của mình: “ ở đây thì chết mất". Mị đã chạy theo tiếng gọi mãnh liệt của tự do, giải phóng mình ra khỏi nanh vuốt cha con tên thống lý.
Hai con người cùng cảnh ngộ đã “lâng lâng dìu nhau lao chạy xuống dốc núi” bỏ thật xa cái địa ngục giam cầm, đày đọa họ mấy năm trời. Từ trong cái chết, họ vùng dậy tìm lẽ sống, làm lại cuộc đời.
Chạy trốn khỏi Hồng Ngài, thoát khỏi ách áp bức của thống lý Pá Tra, Vợ chồng A Phủ lại gặp phải kẻ thù mới không kém phần nguy hiểm là giặc Pháp. Chúng là lũ cướp nước đồng thời cướp cả mọi thức và quyền tự do được sống làm người, chẳng khác gì bọn cường hào ác bá miền núi.
Chúng càn lên núi cao, đốt nhà, cướp của, bắt người. A Phủ bị chúng cướp mất đôi heo, bị đánh, bị đi phu khiêng đá xây đồn... A Phủ căm thù, chửi bới giặc Pháp và đã nhận thức được rằng mình là người tự do, của cải bị chúng cướp đi là mồ hôi, nước mắt của mình. Phải nhớ lấy mà trả thù.
Sống ở Phiềng Sa, vợ chồng A Phủ mới thật sự được làm người. Họ được cán bộ A Châu giác ngộ cách mạng. Từ một chàng trai nghèo khổ, nô lệ, A Phủ đã trở thành một du kích dũng cảm, tự tin. Anh thật sự trở thành chỗ dựa tinh thần của Mị. Sống bên A Phủ, Mị dần dần hết lo sợ, cô vững tin vào cuộc sống mới, vào kháng chiến. Được đứng lên đánh lại kẻ thù áp bức mình trong tư cách mình là con người, ý thức ấy mới thực sự có ý nghĩa nhân đạo.
Quá trình giác ngộ cách mạng của vợ chồng A Phủ tiêu biểu cho con đường đến với Đảng, với cách mạng của đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi nước ta. Qua tác phẩm, nhà văn gián tiếp khẳng định chỉ có cách mạng mới giải phóng con người ta ra khỏi ách áp bức, bất công, giúp con người vươn tới cuộc sống tự do, hạnh phúc, cuộc sống làm người. Tô Hoài khi tái hiện bức tranh hiện thực với những bản chất của nó không thể không miêu tả quá trình vận động, quy luật của cuộc sống. Đấy là giá trị nhân đạo sâu xa của tác phẩm.
Qua việc miêu tả số phận của hai nhân vật Mị và A Phủ, nhà văn đã làm sống lại trước mắt người đọc cả quãng đời tăm tối, cơ cực của người dân miền núi dưới ách thống trị dã man của bọn quan lại, chúa đất phong kiến. Đồng thời khẳng định chỉ có sự tự vùng dậy của bản thân theo dẫn dắt của cách mạng mới giải phóng được con người ra khỏi kiếp ngựa trâu, nô lệ. Đó chính là giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn của tác phẩm. Giá trị này giúp truyện đứng vững trước thử thách của thời gian và vẫn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích.