Skip to main content

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:  Mùa xuân người cầm súng ... Cứ đi lên phía trước.

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:  Mùa xuân người cầm súng

Câu hỏi

Nhận biết

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:  Mùa xuân người cầm súng ... Cứ đi lên phía trước.


Đáp án đúng:

Lời giải của Luyện Tập 365

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi! Con chim chiền chiên

 Hót chi mà vang trời...

  Mùa xuân trong thơ của Thanh Hải đem đến cho chúng ta nhiều xúc động. Từng vần thơ nhẹ nhàng trong sáng cứ ngân nga mãi trong lòng người nghe, lôi cuốn ta trước vẻ đẹp của đất nước vào xuân.

Bước đi của mùa xuân như đang hòa nhịp với bước “đi lên phía trước"của dân tộc trên hành trình “vất vả”, “gian lao” nhưng rất đỗi tự hào qua một đoạn thơ mà em yêu thích:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước...

                                                       (Mùa xuân nho nhỏ)

Mùa xuân đến giữa hương sắc và âm thanh đất trời, lòng người vui "xôn xao”. Cả một dân tộc bừng bừng khí thế, một sức xuân dào dạt “hối hả” bước đi giữa mùa xuân. Mùa xuân mang đến cho nhân dân ta một sức sống mới, nhiệt tình cách mạng mới, hăng hái, khẩn trương lên đường. Cả một dân tộc ngập tràn niềm vui. Người người “xôn xao" đón chào một mùa xuân đẹp, một “mùa xuân hồng”'.

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.

Cặp từ láy "hối hả", "xôn xao”, điệp ngữ “tất cả” như những nốt nhạc ngân nga trong ca khúc xuân hành, diễn tả niềm tự hào và khí thế cách mạng sôi nổi của nhân dân ta đang vững bước đi lên phía trưóe.

Sức xuân ấy của hàng triệu con người đang dồn vào hai nhiệm vụ chiến lược: Sản xuất và chiến đấu. Bốn câu thơ song hành từng đôi một, hô ứng nhịp nhàng, hài hòa như bước đi của dân tộc giữa mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

“Lộc"- chồi non, cành biếc, non tơ, đầy nhựa sống, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức sống mùa xuân. Người chiến sĩ ra trận với cành lá ngụy trang "lộc giắt đầy quanh lưng” như mang cả một sức xuân căng tràn mà không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Ở hậu phương, với bàn tay lao động cần cù, người nông dân đang phủ màu xanh lên đồng quê “lộc trải dài nương mạ”.

Câu thơ có nhạc điệu dồn dập hân hoan; hình ảnh vừa cụ thể gợi cảm, vừa mang ý nghĩa khái quát sâu sắc. Mùa xuân gắn liền với nhịp sống nhân dân “vất vả và gian lao" nhưng cũng rất vinh quang, vì nhân dân đang mang lại mùa xuân, đang làm ra mùa xuân.

Khổ thơ tiếp theo, nhà thơ nói lên những suy cảm của mình về đất nước và dân tộc. Cảm hứng lịch sử tạo nên những ý thơ sâu lắng, chan chứa tự hào. Một dân tộc đau thương và anh dũng,  “vất vả và gian lao”, bao nhiêu máu, nước mắt và mồ hôi đã đổ xuống trên hành trình "bốn  ngàn năm” lịch sử. "Đất nước” được lấy lại hai lần trong khổ thơ diễn tả thật ý vị và cảm xúc sung sướng tự hào dâng lên dào dạt. Đất nước tuy “ vất vả và gian lao” nhưng đất nước đẹp vô cùng: “Đất nước như vì sao”. Một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp diễn tả tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc của nhân dân ta. Đất nước ta đẹp như “vì sao” vì dân tộc ta "chưa bao giờ khuất'' (Nguyễn Đình Thi); có một truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm chói ngời những trang sử oai hùng: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên... “Đất nước như vì sao” có một nền văn hiến lâu đời như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo :

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...

Tự tin, tự hào khi nhà thơ nghĩ về hành trình “đi lên phía trước” của dân tộc để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng Tổ quốc Việt Nam "mười lần đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn. Ba chữ “cứ đi lên...” làm toát lên ý chí mạnh mẽ, sáng chói niềm tin. Hình ảnh đất nước được nhân hóa diễn tả tình yêu nước vô cùng sâu năng của tác giả. Phép đối được nhà thơ vận dụng sáng tạo làm cho câu thơ giàu hình ảnh và gợi cảm:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Đoạn thơ trên trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải để lại trong lòng chúng ta một ấn tượng sâu sắc.

Thể thơ năm chữ được tác giả vận dụng nhuần nhuyễn thành công. Lời thơ trong sáng, truyền cảm và giàu hình tượng. Phép đối, điệp từ, so sánh và nhân hóa được sử dụng một cách điêu luyện diễn tả cảm hứng yêu nưóc, tự hào của nhà thơ, tạo nên những vần thơ có nhạc điệu tha thiết dạt dào.

  Có gì đẹp hơn mùa xuân? Có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu thiên nhiên, đất nưóc? Cảm ơn nhà thơ Thanh Hải để lại một đoạn thơ nói về mùa xuân rất hay. Chúng ta ước mong mỗi con người hãy trở thành “một mùa xuân nho nhỏ"  để góp phần làm đẹp đất nước, quê hương hôm nay và ngày mai.

Câu hỏi liên quan

  • Tóm tắt truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

    Tóm tắt truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

  • Tóm tắt truyện Cố hương của Lỗ Tấn.

    Tóm tắt truyện Cố hương của Lỗ Tấn.

  • Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương (bài 2).

    Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương (bài 2).

  • Tóm tắt chương IX Thời thơ ấu của Go- rơ- ki.

    Tóm tắt chương IX Thời thơ ấu của Go- rơ- ki.

  • Cảm nghĩ của em về Cảnh 3 trong vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ.

    Cảm nghĩ của em về Cảnh 3 trong vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ.

  • Hãy tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

    Hãy tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

  • Phân tích truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ( bài 2).

    Phân tích truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ( bài 2).

  • Phân tích truyện Làng của Kim Lân.

    Phân tích truyện Làng của Kim Lân.

  • Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương ( bài 2).

    Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương ( bài 2).

  • Bình giảng đoạn đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

    Bình giảng đoạn đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.