Câu hỏi: Phân tích câu 15 đến câu 22 trong bài thơ Tây Tiến
a/ Bốn câu thơ đầu đã mở ra không khí hội hè rộn ràng vui vẻ trong một đêm liên hoan văn nghệ của những người lính Tây Tiến có đồng bào địa phương đến góp vui:
- Đêm liên hoan ấy có ánh sáng rực rỡ - đây là ấn tượng nổi bật nhất trong kí ức của nhà thơ:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
+ Chữ “bừng” được xem là nhãn tự của câu thơ, gợi ra ánh sáng của những ngọn đuốc rừng rực như những bông hoa lửa. Trong ánh mắt nhìn lãng mạn của những người lính TT, những ngọn sáng ấy đã hợp lại thành hội đuốc hoa, phù hợp với cử chỉ e thẹn “e ấp” của những sơn nữ giống như những cô dâu mới.
+ Ánh sáng còn tỏa ra từ xiêm áo lộng lẫy của những người đẹp vùng sơn cước.
+ Và ánh sáng còn bừng lên trong cả cái nhìn ngạc nhiên, ngỡ ngàng, mê say bởi người đẹp xiêm áo tự bao giờ, lột xác thành những nàng thơ tuyệt mĩ. Hai chữ kìa em là tiếng reo vui phát hiện ẩn chứa ánh sáng ấy.
- Đêm liên hoan còn có âm thanh náo nức của tiếng khèn rộn ràng, réo rắt, tình tứ tạo lên man điệu riêng vô cùng hấp dẫn. Thứ âm thanh đặc trưng của vùng cao đã khiến cho tâm hồn của những chàng trai Hà thành rung động:
Khèn lên man điệu nàng e ấp
- Nổi bật giữa ánh sáng và âm thanh ấy là hình ảnh diễm lệ của những thiếu nữ Mường, thiếu nữ Thái và những cô gái Lào trong những bộ xiêm áo lộng lẫy như bước ra từ huyền thoại, vừa e thẹn vừa tình tứ trong một điệu múa đậm sắc xứ lạ. Họ đã trở thành linh hồn của đêm văn nghệ
- Đằng sau tất cả những vẻ đẹp phương xa xứ lạ ấy là ánh nhìn chiêm ngưỡng, say sưa, ngây ngất, đa tình của người lính TT. Điệu nhạc chơi vơi cùng vũ điệu lăm-vông của các cô gái đã làm say đắm các chàng trai Hà Nội, khiến họ trong phút chốc biến thành thi sĩ:
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
→ Cái phần hào hoa, thanh lịch được nâng niu, lưu giữ ở đâu đó trong tâm hồn người lính TT bỗng được gõ cửa, gợi dậy bởi vẻ đẹp của không gian mới. Bóng dáng của chiến tranh đã bị xóa nhòa trong khoảnh khắc tuyệt vời hiếm hoi này. Lòng người như mềm lại sau bao nhiêu những gân guốc, gồng mình vượt qua thử thách…
- Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, theo hồi tưởng của chính những người lính TT, trên con đường hành quân, địa bàn dừng chân thường là những xóm làng heo hút. Những buổi liên hoan văn nghệ được tổ chức tại đây với mục đích động viên tinh thần, cũng là cơ hội để đồng đội tự phát hiện tài năng của nhau. Lính TT khi ấy có thể là một chàng trai Hà thành hào hoa, thanh lịch; cũng có thể hóa thân thành một sơn nữ dịu dàng, e ấp để tạo nên tiếng cười vui sảng khoái… Cho nên “kìa em xiêm áo tự bao giờ…” biết đâu cũng chỉ là áo xiêm lính tráng mà thôi?
b/ Bốn câu thơ cuối là bức tranh sông nước miền Tây trong chiều sương:
- Trước hết là khung cảnh thiên nhiên:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
+ Không gian được bao trùm bởi một màn sương giăng mắc trở nên mờ ảo, như hư, như thực. Sương chiều bảng lảng đầy thi vị, chứ không còn là “sương lấp đoàn quân mỏi” khi màn đêm buông xuống
+ Sông nước, bến bờ lặng tờ, hoang dại như thời tiền sử, chỉ có màu lau trắng trải dài tít tắp, phất phơ theo chiều gió thổi, xôn xao ẩn chứa những nỗi niềm của con người… Thiên nhiên như có linh hồn, “hồn lau” hài hòa với “hồn thơ” của những người lính đa cảm. Cũng có thể hiểu “hồn lau” là một ẩn dụ đặc sắc gợi về vẻ đẹp giản dị, gần gũi, hồn hậu của những con người miền Tây- những người lao động trên sông nước mênh mông.
- Trên nền thiên nhiên tĩnh lặng và thơ mộng đó nổi bật hình ảnh con người:
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
+ “Dáng người trên độc mộc” phải chăng đó là dáng hình mềm mại, uyển chuyển của thiếu nữ sơn cước trên chiếc thuyền độc mộc trên dòng sông Mã, tạo nên chất thơ làm tiêu tan vẻ dữ dội của “dòng nước lũ” hung hãn
+ Như để hoà hợp với con người, những bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên trên dòng nước xiết. “Hoa đong đưa” là một hình ảnh lạ, hoa lá vô tri như được thổi hồn vào, gợi ra ánh mắt lúng liếng tình tứ của những cô gái vùng núi xinh đẹp trẻ trung
+ Dường như trong khổ thơ nào của bài thơ cũng thấp thoáng bóng dáng của người đẹp như vậy:
- Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
- Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi (đoạn 1)
- Kìa em xiêm áo tự bao giờ
- Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (đoạn 3)
→ Hình ảnh người đẹp thấp thoáng trong các khổ thơ đã điểm cho kí ức Tây Tiến chút lãng mạn, mơ mộng, khiến cho câu chữ trở nên mềm mại hơn và lòng người cũng nhẹ nhàng hơn…
- Những từ có thấy, có nhớ là những lời tự hỏi lòng mình đầy bâng khuâng, lưu luyến khi đã cách xa với Tây Tiến cả về không gian và thời gian…