(4,0 điểm)
Cho đoạn thơ sau trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...”
1. Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ?
2. “Từ ấy” là từ thời điểm nào trong cuộc đời nhà thơ?
3. Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng trong hai dòng thơ sau? Ghi lại cảm xúc của em khi đọc hai dòng thơ này?
“Hồn tôi là một vườn hoa lá.
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”?
4. Lí tưởng sống của người thanh niên trong đoạn thơ trên có điểm gì giống với lí tưởng của nhân vật trong đoạn văn sau?
"Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, mà có thể nói rằng: Tất cả đời mình ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì bệnh tật vô lý hay một sự bi đát tình cờ nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời này".
(Trích Thép đã tôi thế đấy - Nikolai Ostrovsky)
1.
- Đoạn thơ là khổ 1 của bài thơ "Từ ấy" của nhà thơ Tố Hữu (0,5 điểm)
- Bài thơ được viết năm 1938 sau khi Tố Hữu được kết nạp vào Đảng. (0,5 điểm)
2.
"Từ ấy" - mốc thời gian có ý nghĩa trong đời cách mạng và đời thơ Tố Hữu, khi người thanh niên giác ngộ lí tưởng cách mạng. (1,0 điểm)
3.
Hình ảnh ẩn dụ và so sánh:
- Hồn tôi như là vườn hoa lá, đậm hương, rộn tiếng chim (0,5 điểm)
- Diễn tả cụ thể niềm vui sướng, say mê hạnh phúc ngập tràn khi bắt gặp lí tưởng của Đảng. (1,0 điểm)
4. Cùng chung lí tưởng cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, sẵn sàng hi sinh cho nhân dân, dân tộc. (0,5 điểm)