(5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người yêu đời, yêu người tha thiết” (SGK Ngữ văn 11 tập II, NXB GIÁO DỤC 2007, tr. 40)
Em hãy phân tích khổ thơ sau để làm sáng tỏ ý kiến trên:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Trích Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
a. Yêu cầu chung:
- Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học, hiểu và phân tích đúng trọng tâm yêu cầu của đề: “ Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người yêu đời, yêu người tha thiết”
- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, chính xác.
b. Yêu cầu cụ thể:
Học sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ các ý:
1. MỞ BÀI: (0,5 điểm)
- Hàn Mặc Tử là một trong ba đỉnh cao của phong trào Thơ mới. Tiếng thơ của ông kì lạ vào bậc nhất trong phong trào thơ thời kì này. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một trong những tác phẩm thành công của Hàn Mặc tử, được rút trong tập "Thơ điên" (1938) là tập thơ quan trọng nhất trong cuộc đời hàn Mặc Tử.
- Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người yêu đời, yêu người tha thiết. Điều này được thể hiện rõ nét ngay ở khổ thơ đầu của bài thơ.
2. THÂN BÀI: ( 3,5 điểm)
a. Bức tranh đẹp về một miền quê đất nước: (1,5 điểm)
Thôn Vĩ bừng sáng một vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi, giàu sức sống trong buổi sớm mai:
- Hình ảnh "hàng cau": vẻ đẹp tiêu biểu của là ng xóm dọc ven bờ sông Hương, cũng là nét đặc trưng có thể nhìn thấy từ khoảng cách xa khi hướng về thôn Vĩ.
- Hình ảnh"nắng":
+ "nắng hàng cau": cau là thứ cây cao, vươn thẳng. do đó nó là thứ cây đầu tiên nhận được tia nắng mặt trời. Vì thế "nắng hàng cau" là một thứ nắng trong trẻo, thanh khiết, nó mới mẻ, tinh khôi sau một đêm sương. Hình ảnh những hàng cau vươn mình trong không trung tạo thành một nét rất mảnh nên cả nắng in trên thân cau lẫ bóng cau in xuống vườn đều tạo cảm giác rất mảnh mai, thanh thoát. Vì vậy không phải ngẫu nhiên khi nhớ về thôn Vĩ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong Hàn Mặc Tử lại là hàng cau.
+ "nắng mới lên": thứ nắng tinh khôi, rất trong trẻo . Ở đây nhà thơ chỉ gợi chứ không tả, ngôn ngữ không bóng bẩy chau chuốt. Bằng cách đó, nhà thơ đã tạo được ấn tượng riêng về cái thanh khiết của vườn thôn Vĩ.
- Từ "mướt" gợi sự tươi non, mơn mởn, tràn đầy nhựa sống, sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc lá dưới ánh sáng mặt trời
- Hình ảnh so sánh: "xanh như ngọc" : Thi sĩ có một thị giác thật tinh tế khi nắm bắt được vẻ lung linh của khu vườn. "Ngọc" có một đặc điểm: vừa có màu, vừa có ánh. "Xanh như ngọc" gợi màu xanh mượt mà, đầy sức sống, nhưng lại được khúc xạ qua ánh sáng mặt trời, làm ánh lên một vẻ trong suốt, óng ả, quý phái.
b. Tình yêu đời, yêu người tha thiết: (1,5 điểm)
- Trăn trở, khao khát được trở về vùng đất của yêu thương, hoài niệm:
+ Câu hỏi tu từ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" chứa đựng nhiều sắc thái: vừa hỏi han, vừa hờn trách, vừa nhắc nhở, vừa mời mọc. Tác giả đang phân thân để hỏi chính mình về một việc cần làm, một việc đáng ra phải làm từ lâu mà giờ đây không biết còn có cơ hội để làm hay không. Sự phân thân và những sắc thái phức tạp đan xen trong một câu hỏi đã cho thấy niềm khát khao thìm kín của người đi xa được về lại thôn Vĩ.
- Qua việc tái hiện một cách sống động bức tranh đất và người thôn Vĩ, ngoài tài năng quan sát, năng lực của một thi nhân, phải kể đến tình yêu mà Hàn Mặc Tử dành cho vùng đất đặc biệt này. Đó là biểu hiện của lòng yêu đời, yêu người tha thiết.
- Hình ảnh con người xuất hiện trong câu thơ: "Lá trúc che ngang măt chữ điền": Thi sĩ ở đây muốn tạo ra một khuôn hình đẹp, một khuôn mặt trung thực, nhân hậu, thấp thoáng lá trúc mảnh mai, thanh tú. Đó là vẻ đẹp hài hòa giữa người và cảnh. Cảnh thì xinh xắn, con người thì đôn hậu, dịu dàng, dễ thương. Viết "Đây thôn Vĩ Dạ" từ một tình yêu tuyệt vọng với cuộc đời, Hàn Mặc Tử không thể không nhớ đến những guowg mặt thân yêu. Bằng bút pháp tạo hình gainr dị mà taig hoa, bằng thứ ngôn ngữ đặc tả của thơ điên, nhà thơ đã góp thêm cho xứ Huế một bức vẽ thơ mộng về vườn thôn Vĩ và tình yêu cuộc đời đắm say, khao khát trở về mãnh liệt nhưng đầy uẩn khú của nhà thơ.
c. Nghệ thuật: (0,5 điểm)
- Từ ngữ, hình ảnh thơ được chọn lọc tinh tế, các biện pháp so sánh, câu hỏi tu từ góp phần làm tăng hiệu quả biểu đạt.
3. KẾT BÀI: (0,5 điểm)
Đoạn thơ nói riêng và "Đây thôn Vĩ Dạ" có thể coi là cuộc trở về bằng tâm tưởng, nằm trong mạch cảm xúc đau thương xen lẫn niềm khát khao và hi vọng. Khổ thơ này là một bức tranh đẹp về Vĩ Dạ trong tâm tưởng, vừa là khao khát trở về của một trái tim yêu đời đến tuyệt vọng.