Skip to main content

Phân tích sự đối lập thiện - ác trong đoạn trích Lục vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Phân tích sự đối lập thiện - ác trong đoạn trích Lục vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục

Câu hỏi

Nhận biết

Phân tích sự đối lập thiện - ác trong đoạn trích Lục vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)


Đáp án đúng:

Lời giải của Luyện Tập 365

     Trong tác phẩm Một số tư liệu về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (NXB Khoa học Xã hội, 1965), G. Ô-ba-rê từng nhận định: Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từng được xem là "một trong những sản phâm hiếm có của trí tuệ con người có cái ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của một dân tộc". Một trong những tình cảm lớn lao ấy là tấm lòng yêu mến, trân trọng cái thiện đồng thời căm ghét, lên án cái ác ở đời. Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”, nhà thơ đã thể hiện trọn vẹn sự đối lập thiện - ác tiêu biểu cho toàn bộ tác phẩm.

      Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn" nằm ở phần thứ hai của truyện. Đang bơ vơ nơi đất khách với đôi mắt mù lòa và nỗi đau xót khôn nguôi về người mẹ mới qua đời, Lục Vân Tiên lại gặp Trịnh Hâm thi rớt trở về. Sẵn lòng đố kị, ganh ghét với Vân Tiên từ trước, Trịnh Hâm bèn lợi dụng cơ hội đế hãm hại Vân Tiên. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa hẹn sẽ dẫn về quê nhà. Chờ khi đêm tối, Trịnh Hâm mới thực hiện hành động tàn ác của mình.

       Qua cách hành xử của các nhân vật khi gặp người bị nạn: Trịnh Hâm gặp Vân Tiên bị mù, ngư ông và gia đình gặp Vân Tiên bị đẩy xuống sông, tác giả đã vạch mặt chỉ tên cái ác - mà đại diện là gã Trịnh Hâm tàn ác, nham hiểm đồng thời ngợi ca cái thiện, tiêu biểu là nhân vật ông ngư cùng gia đình của ông.

       Trịnh Hâm là một kẻ có tâm địa hèn hạ, xấu xa. Vốn ghen ghét, với Lục Vân Tiên nhưng đến khi Lục Vân Tiên mù lòa rồi, dã tâm của Trịnh Hâm vẫn chưa thỏa. Lục Vân Tiên đã bị mù, tiền bạc hết, thầy tớ bơ vơ. Với Vân Tiên, Trịnh Hâm lại là người quen cũ. Vậy mà gã họ Trịnh lại đang tâm lừa gạt, hãm hại con người tội nghiệp, đang trong cơn hoạn nạn, cần cậy nhờ sự giúp đỡ của hắn:

Trịnh Hâm khi ấy ra tay,

Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời

       Không những vậy, Trịnh Hâm còn vừa ăn cướp vừa la làng đầy ghê tởm:

Trịnh Hâm khi ấy kêu trời

Cho người thức dậy lấy lời phôi pha.

      Chẳng những không thực hiện lời mình nói (hứa đưa Vân Tiên trở lại quê nhà) mà còn hãm hại Vân Tiên. Đó là sự phản bội bạn bè, phản bội lời hứa của chính mình. Đối với những người quân tử Nho học xưa, lời hứa vô cùng thiêng liêng, đó là bức tượng danh dự cho mỗi người: Lời đã nói ra như dao chém đá, một lời nói nặng tựa chín đỉnh đồng. Do vậy, hành động của Trịnh Hâm lột rõ tâm địa vừa bất nhân vừa bất nghĩa, vừa gian ngoan vừa xảo quyệt của hắn. Tất cả cũng vì lòng ganh ghét, vì sự đố kị tài năng với Vân Tiên. Nọc độc ấy ngấm vào xương tuỷ, trở thành bản chất độc ác của Trịnh Hâm.

      Chỉ tám dòng thơ, tác giả đã sắp xếp các tình tiết một cách hợp lí, thể hiện diễn biến hành động rất mau lẹ, có tính toán và rất độc ác của Trịnh Hâm. Cái ác trong con người này tiêu biểu cho cái ác trong toàn bộ tác phẩm. Đó là sự lọc lừa, phản trắc của những Bùi Kiệm, Võ Công,... Chúng đã không chỉ một hai lần hãm hại những tâm hồn lương thiện thanh sạch như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga…

       Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không hề bi quan về cuộc đời, dựng lên hình ảnh của cái ác tấm lòng nhân ái của nhà thơ muốn tạo ra sự đối lập để tôn vinh cái thiện. Cái thiện ấy được thể hiện qua sự hiệp nghĩa và trái tim nhân ái của ông ngư cùng gia đình của ông.

       Thấy người bị nạn dưới sông, ông ngư đã ra tay cứu giúp:

                Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ

Hối con vầy lừa một giờ,

            Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày

        Từ "hối" có ý nghĩa là giục giã, thúc giục. Ông ngư cùng vợ con đang rất khẩn trương cứu sống Vân Tiên. Câu thơ mộc mạc, chỉ kể lại sự việc một cách tự nhiên, nhưng ần chứa bao ân tình của cả một gia đinh vợ chồng, con cái đối với người gặp nạn. Chỉ riêng điều này đã đối lập gay gắt với hành động độc ác, bất nhân của Trịnh Hâm.

       Không chỉ vậy, ông Ngư và cả gia đình còn sẵn sàng cưu mang người hoạn nạn: ông chân thành ngỏ ý mời Vân Tiên ở lại cùng sớm hôm chia sẻ cuộc sống đạm bạc nhưng đầm ấm tình người:

        "Ngư rằng: "Người ở cùng ta Hôm mai hẩm hút một nhà cho vui".

       Khi Vân Tiên băn khoăn "ông lấy chi nuôi" ngư ông đã thể hiện lòng vị tha, tinh thần trọng nghĩa khinh tài của mình qua câu nói:

"Lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhản nghĩa há chờ trả ơn"

      Có nghĩa là làm ơn mà không hề trông chờ sự báo đáp. Đó là sự trong sạch vô tư đến tuyệt vời của một tâm hồn lành mạnh khỏe khoắn... Điều đó một lần nữa còn được thể hiện qua cuộc sống lao động của ông Ngư. Đó là một cuộc sống trong sạch, không chạy theo danh lợi, khinh ghét thói đời bạc đen, tráo trà. Cuộc sống của ông gắn với thiên nhiên khoáng đạt, tâm hồn ông thanh thản và thư thái vô cùng:

“Một mình thong thả làm ăn

Tắm mưa trải gió trong vời hàn giang”.

      Bằng đoạn thơ trên, tác giả gửi gắm khát vọng và niềm tin vào cái thiện, vào bản chất tốt đẹp của con người lao động bình thường. Cùng với những Hớn Minh, Vương Tử Trực, ông Tiều, ông quán,... ông ngư đả đại diện cho cái thiện trong thiên truyện Truyện Lục Vân Tiên. Qua những nhân vật này, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện một cái nhìn tiến bộ, lạc quan đậm chất nhân dân.

       Giống như toàn bộ tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên, đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn không có điều kiện để được Nàng Thơ trau chuốt về hình thức song chính sự giản dị, mộc mạc đậm chất Nam Bộ của ngôn ngữ đã mang đến cho đoạn trích sự chân thành chẳng những diễn tả thành công tính cách các nhân vật mà còn bộc lộ tấm lòng nhân ái, lạc quan của nhà thơ.

        Đặc biệt, đoạn trích diễn tả đời sống của ngư ông, ngôn ngữ và lời thơ rất thanh thoát, uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, ý tình phóng khoáng mà sâu xa. Đọc đoạn thơ, ta có cảm giác như chính tác giả đang nhập thân vào nhân vật đểnói lên cái khát vọng sống của mình.

      Qua sự đối lập giữa thiện và ác trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn, tác giả đã thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời. Đó cùng chính là cái gốc sâu xa làm nên sức hấp dẫn của toàn bộ tác phẩm này.

Câu hỏi liên quan

  • Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương (bài 2).

    Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương (bài 2).

  • Phân tích truyện Làng của Kim Lân.

    Phân tích truyện Làng của Kim Lân.

  • Cảm nhận của em về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong truyện Cố hương

    Cảm nhận của em về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong truyện Cố hương của Lỗ Tấn.

  • Hãy phân tích một bài thơ viết về Bác Hồ đã gây cho em nhiều xúc dộng hơn cả.

    Hãy phân tích một bài thơ viết về Bác Hồ đã gây cho em nhiều xúc dộng hơn cả.

  • Cảm nghĩ của em về Cảnh 3 trong vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ.

    Cảm nghĩ của em về Cảnh 3 trong vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ.

  • Cảm nhận về bài Tiếng nói văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.

    Cảm nhận về bài Tiếng nói văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.

  • Cảm nhận về bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La-phong- ten.

    Cảm nhận về bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La-phong- ten.

  • Phân tích và nêu cảm nghĩ về Những đứa trẻ trích trong Thời thơ ấu của Go-rơ-ki.

    Phân tích và nêu cảm nghĩ về Những đứa trẻ trích trong Thời thơ ấu của Go-rơ-ki.

  • Cảm nhận về một số nhân vật đáng yêu được nói đến trong truyện Lặng lẽ Sa Pa.

    Cảm nhận về một số nhân vật đáng yêu được nói đến trong truyện Lặng lẽ Sa Pa.

  • Nêu cảm nghĩ của em khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan.

    Nêu cảm nghĩ của em khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan.