Skip to main content

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.  (Đề thi chọn lọc học sinh Giỏi lớp 12 toàn quốc năm học 1991 - 1992)

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.  (Đề thi chọn lọc học sinh Giỏi lớp 12 toàn quốc

Câu hỏi

Nhận biết

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.  (Đề thi chọn lọc học sinh Giỏi lớp 12 toàn quốc năm học 1991 - 1992)


Đáp án đúng:

Lời giải của Luyện Tập 365

 Cuộc kháng chiến chống Pháp đi qua để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn dân tộc. Đó là điểm hội tụ của muôn triệu tấm lòng yêu nước, là môi trường thử thách tinh thần, chiến đấu ngoan cường, bất khuất của nhân dân. Cuộc kháng chiến còn làm nảy sinh biết bao hình ảnh đẹp mà đẹp nhất là hình ảnh người lính.

Bên cạnh những bài thơ nổi tiếng một thời như Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên...; Tây Tiến của Quang Dũng là một thi phẩm đặc sắc nhất. Đoàn quân Tây Tiến quy tụ một lực lượng đông đảo đủ mọi tầng lớp thanh niên từ khắp phố phường Hà Nội. Có nhiều thanh niên học sinh thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản vừa rời trang sách nhà trường để tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Tất cả những con người ấy ra đi với lí tưởng chung của dân tộc là chiến đấu với mục đích “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Cái tinh thần ấy là hào khí của một thế hệ con người đã từng được phản ánh trong một bài hát thời đó:

Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi

Nào có sá chi đâu ngày trở về

Trong đoàn người nô nức lên đường đi chiến đấu, trong hàng ngũ những thanh niên trí thức ngày hôm qua có khi là những tự vệ chiến đấu trên phố phường, chiến lũy Hà Nội, mà hôm nay đã có mặt trong đoàn quân Tây Tiến thấp thoáng xuất hiện một khuôn mặt: Quang Dũng cũng háo hức gia nhập đoàn quân Tây Tiến với một niềm say mê tuổi trẻ và một chút lãng mạn của những người thanh niên "nho sĩ quý tộc” ảnh hưởng trong Chinh phụ ngâm: “Giá nhà đeo bức chiến bào", “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao". Cũng chính vì thế mà những thanh niên như Quang Dũng sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để chiến đấu đến ngày thắng lợi cuối cùng. Vào Tây Tiến, Quang Dũng cùng sống và chiến đấu một thời gian với đơn vị này và sau đó chuyển sang đơn vị khác. Một ngày ngồi ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ về những người đồng đội, về những tháng ngày chiến đấu gian nan nhưng hào hùng, nhớ từng đơn vị cũ, nhớ những con đường hành quân mà ông cùng đơn vị từng đi qua. Nỗi nhớ ấy dần lớn trong Quang Dũng, bật ra thành hai câu thơ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

 Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Cuộc sống chiến đấu của Tây Tiến cùng những nơi mà đơn vị đã đi qua hẳn là những kỉ niệm hết sức sâu đậm trong tâm hồn nhà thơ. Hẳn một phần quãng đời Quang Dũng gắn bó với Tây Tiến là cuộc sống hoạt động trong vùng rừng núi. Bởi thế, nhà thơ nhớ Tây Tiến là nhớ ngay về sông Mã, nhớ về rừng núi với bao kỉ niệm vui buồn. Ấn tượng về một miền rừng núi khắc nghiệt đã để lại trong tâm hồn nhà thơ dấu ấn chẳng phai mờ. Vì thế Quang Dũng nhớ về những tháng ngày đã qua với một tình cảm yêu thương lắm nhưng chẳng biết gọi tên chính xác nỗi nhớ ấy.,”Nhớ chơi vơi!" Hai tiếng "chơi vơi” dùng ở đây thật là đắc địa, diễn tả một nỗi nhớ không có hình, không có lượng nhưng hình như rất nặng mà mênh mông đầy ắp. Cái tâm trạng nhớ ấy ta đã bắt gặp không chỉ một lần trong ca dao:

Ra về nhớ bạn chơi vơi

 Hoặc:  

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than

Quang Dũng lấy nỗi nhớ trong ca dao để tượng trưng thêm cho nỗi nhớ “chơi vơi" của mình thật là một chi tiết đắt! Ngay từ đầu bài thơ, ông đã miêu tả vùng rừng núi ấy, nhớ về rừng núi ấy tha thiết như thể làm cho người đọc chú ý ngay. Nhớ Tây Tiến, nhớ về sông Mã và núi rừng trùng điệp, nhớ con đường hành quân:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Con đường hành quân điệp trùng với bao khắc nghiệt, dữ dội của một vùng núi rừng biên ải. Đọc đoạn thơ, chưa cần suy ngẫm cái nội dung bên trong, chúng ta đã có thể hình dung ra cái con đường mà Quang Dũng miêu tả qua thanh luật của đoạn thơ. Kết cấu đoạn thơ cứ thanh bằng thanh trắc đan chéo nhau, trải dài ra miên man, vô tận như con đường xa thẳm khấp khiểng. Nhạc điệu êm ả, triền miên. Đoàn quân Tây Tiến đi trong lớp sương khói mờ ảo, như thực, như mộng. Thế nhưng, mỗi địa danh gắn liền với một đặc điểm của địa vật; nếu ta chỉ thử thay "Sài Khao" bằng một tên gọi khác là lớp sương huyền ảo ấy tan biến ngay. Đoàn quân Tây Tiến cất bước trên con đường xa vạn dặm, với cái trắc trở gập ghềnh của con đường. Đã "dốc lên khúc khuỷu” mà lại còn “dốc thăm thẳm" thì đúng là đến độ cao chất ngất, ngoằn ngoèo khó đi. Đã “ngàn thước lên cao” rồi lại “ngàn thước xuống”, tất cả những đặc điểm ấy diễn tả nỗi khó khăn của đoàn Tây Tiến khi hành quân. Nó có ghi lại ấn tượng về một miền rừng núi thật là dữ dội và khắc nghiệt. Quang Dũng có những cách  dùng từ rất tinh tế mà cũng hết sức tinh nghịch: núi cao chạm mây nối thành  cồn “heo hút”, và để diễn tả chiều cao của núi thì chỉ ba chữ “súng ngửi trời” là đủ đưa ta đến tuyệt đỉnh cao vời. “Súng ngửi trời” nghe thật ngộ ngĩnh. Phải chăng đó là cách gọi của lính mà Quang Dũng ghi lại với tư cách một người trong cuộc. Dù sao, qua những từ ngữ chi tiết mà cách kết cấu âm của đoạn thơ cũng đã đủ vẽ lên trước mắt ta hình ảnh một miền rừng núi mà đoàn quân Tây Tiến đã từng đi qua. Có những câu thơ dùng toàn vần băng rất hay, rất đắt:

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Sau khi “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, người chiến sĩ Tây Tiến như đứng trên đỉnh núi cao mà nhìn xuồng thung lũng phủ kín trong màn mưa. Những ngôi nhà như đang trôi bồng bềnh trong làn mưa trắng. Thanh bằng của từng chữ trải ra, mênh mang diễn tả cái năm mưa phủ giăng thung lũng. Rừng núi điệp trùng, ấn tượng về miền rừng núi cũng thật là khắc nghiệt và dữ dội:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Chỉ hai câu thơ thôi là đã gieo vào lòng người ta tất cả những sự khắc nghiệt của miền rừng núi này. Một miền núi rừng âm u với thú dữ đe dọa con người. Hai chữ Mường Hịch đi với nhau nghe nặng như chân cọp. Có một điều kì lạ là nếu ta thay địa danh này bằng hai chữ khác cũng là hai thanh bằng đi với nhau, như "Châu Thuận" chẳng hạn, thì hiệu lực câu thơ sẽ giảm sút ngay. Qua sự miêu tả của Quang Dũng, một vùng núi rừng biên ải hiện lên vơi đầy đủ sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên. Đó là những khó khăn mà người chiến sĩ Tây Tiến phải vượt qua trên con đường hành quân. Cái trắc trở, gian lao của con đường Tây Tiến chợt làm chúng ta nhớ đến câu thơ của Lý Bạch:

Thục đạo chi nan. nan ư thướng thanh thiên

(Đường xứ Thục khó đi, khó hơn lên tận trời xanh)

Đó là tất cả những gian khổ, nguy hiểm do thiên nhiên đem đến mà người chiến sĩ

Tây Tiến phải chịu đựng:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ, bỏ quên đời

Quang Dũng nói cái sự thật trên con đường Tây Tiến. Bao người chiến sĩ đã nằm lại trên con đường hành quân, có một điều lạ làm tỏa sáng cả ý thức là người lính Tây Tiến đến lúc gục xuống vẫn cố gắng trong tư thế người lính.

Chết rồi nhưng súng mũ vẫn còn đó, hành trang của người chiến sĩ vẫn còn trong tư thế tiếp tục cuộc hành trình. Bao cảnh gian khổ khó khăn, khắc nghiệt dữ dội của con đường hành quân, của thiên nhiên xứ lạ đã thử thách người chiến sĩ Tây Tiến một cách ghê sớm. Có những người lính đã vượt qua được, và cũng không ít những con người phải nằm lại phía sau. Người lính dãi dầu qua nắng, đi từ khó khăn này đến gian khổ khác, chịu hết thử thách đau khổ khác mà dường như vẫn chẳng nề hà. Chỉ một khi kiệt sức phải gục xuống thì cũng cố gắng gục xuống trong tư thế của người chiến sĩ.

Cho dù Quang Dũng có nói thật về một vùng rừng núi che lấp con người thì chính những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ đã đưa họ bay lên vượt lên trên cái gian khổ và thiếu thốn. Quang Dũng là một người trong cuộc, từng là chiến sĩ Tây Tiến chính vì vậy mà nhà thơ viết về cuộc sống gian khổ của người chiến sĩ Tây Tiến một cách hết sức cảm động. Cái khắc nghiệt, gian khổ và dữ dội của một miền biên ải, những gian truân mà người chiến sĩ Tây Tiến phải chịu đựng là những ấn tượng không thể nào quên. Quang Dũng nói về người lính Tây Tiến không như những nhà thơ khác; ông nói thật về sự gian khổ, hy sinh của người lính một thời. Thế nhưng, hình ảnh anh bộ đội Tây Tiến không vì thế mà trở nên ủy mị, ngược lại càng thêm cao đẹp hơn. Miêu tả người chiến sĩ với cái bi, nhưng là “bi tráng". Nói cái gian khổ để đề cao thời đại cũng là một cách “vẽ mây nảy trăng" trong hội họa vậy. Bởi chiến thắng có giá trị gì khi chiến thắng dễ dàng, không có hy sinh? Và hình ảnh người lính sẽ không thật cao đẹp nếu họ không trải qua những thử thách gian truân của cuộc sống chiến đấu khắc nghiệt:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là vợ anh hùng phải vay

Đó là một lời đúc kết kinh nghiệm về giá trị của chiến thắng, giá trị của phẩm chất con người. Giữa bao cái gian khổ, khắc nghiệt đã thành ấn tượng thì niềm vui, dù ít ỏi lại càng đáng nhớ hơn:

Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói

….

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Dường như để tả trạng thái tâm hồn chúng ta về thế cân bằng sau khi chùng xuống trước cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ Tây Tiến, Quang Dũng hồi tưởng lại nhiều hình ảnh vui, ấm áp. Khói bếp, mùi thơm cơm nếp gợi ta cái ấm cúng của cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, sức sưởi ấm của nó đủ làm tâm hồn ta đầm ấm lại sau những phút giây chứng kiến những gian khổ của người lính. Hội đuốc hoa là hình ảnh có sức khơi gợi, gợi cho ta cái cảm giác tươi vui như được chứng kiến những lẽ hội đông vui. Hai tiếng “kìa em" vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng được diễn tả tâm hồn của người chiến sĩ Tây Tiến. Trong cả đoạn thư dìu dặt âm thanh, tiếng nhạc, tiếng kèn, phảng phất vui tươi của cuộc sống yên bình như chẳng biết đến chiến tranh. Hình ảnh “nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ" là hình ảnh đẹp, thơ mộng diễn tả tâm hồn phong phú của người lính Tây Tiến. Họ tổ chức hội vui, sau bao thử thách khắc nghiệt của núi rừng dữ dội. Và mặc dù biết rằng sẽ còn tiếp tục chịu đựng những gian truân, hy sinh, người lính Tây Tiến vẫn múa hát, đùa vui, vẫn lạc quan yêu đời. Có thể chỉ ngày hôm sau một người nào đó trong số họ phải nằm lại nơi rừng núi u tịch, nhưng hôm nay tâm hồn họ vẫn mộng  mơ đến những hình ảnh đẹp của thi và họa, “xây hồn thơ". Và như vậy, họ sẵn sàng đón nhận mọi thử thách tiếp theo, coi đó như một việc bình thường mà đời lính phải chấp nhận, không lên gân, không khiên cưỡng, mọi gian khổ hy sinh đối với người lính là chuyện bình thường và tất yếu, vì vậy mà họ vẫn lạc quan, vẫn yêu đời, vẫn sống với tâm hồn trẻ trung, tươi mát. Cũng chính vì vậy mà người lính Tây Tiến có thể cảm nhận một dáng thuyền độc mộc, hoặc một bông hoa trên dòng nước kia. Những hình ảnh rất bình thường ấy, ngờ rằng sau bao sự thử thách về tinh thần, người lính sẽ quên đi. Nhưng không, họ vẫn nhớ. Những hình ảnh ấy in sâu vào tâm hồn người lính Tây Tiến, là nguồn động viên thúc giục họ chiến đấu, dù tiếp tục đón nhận những thử thách mới:

Tây Tiến đòan binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá, dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

 “Đoàn binh không mọc tóc” có cách nào lại khơi dậy nhiều cảm xúc đến thế! Như vậy thì hình ảnh của anh bộ đội Tây Tiến có trở nên quái đản không? Không đâu! Đó chính là hình ảnh oai hùng của anh vệ quốc nổi tiếng một thời vì sốt rét nên rụng tóc. Vả lại, cái cách nói "đoàn quân không mọc tóc” ấy phần cũng dựng lên hình ảnh người chiến sĩ với dáng dấp thật hùng dũng và hiên ngang. Quân không mọc tóc, quân lại "xanh màu lá" màu xanh ấy có thể do cành lá ngụy trang, nhưng chủ yếu là do sốt rét rừng. Những cơn sốt rét ghê gớm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người chiến sĩ. Ta cảm động trước hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến, và chợt nhớ đến hình ảnh trong một số bài thơ đương thời: Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật,

Đâu còn tươi nữa những ngày qua

(Tố Hữu)

Người lính Tây Tiến cũng chịu đựng cơn bệnh sốt rét ghê gớm ấy. Thế nhưng nó không nhụt đi ý chí của người chiến sĩ mà ngược lại họ càng chiến đấu dũng cảm hơn, kiên cường hơn. “Quân xanh màu lá" những vẫn “dữ oai hùm". Cái khí phách hào hùng của người chiến sĩ Tây Tiến được ghi lại bằng một sự so sánh thật cân bằng. Nếu ở khổ thơ trên, người lính chịu đựng sự đe dọa của cọp dữ thì họ cũng chiến đấu với một tinh thần dũng cảm của một loại chúa sơn lâm như thế. Câu thơ sau nâng đỡ câu thơ trước cùng vút bay lên như ánh hào quang của người chiến sĩ bằng một sự so sánh như thế, Quang Dũng đã thật sự hiểu người lính và hòa đồng với họ. Chiến đấu dũng mãnh như thế, nhưng người lính Tây Tiến vẫn có một đời sống tâm hồn hết sức tinh tế:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Người chiến sĩ ra đi từ những mái trường, chiến đấu nhưng vẫn không quên hậu phương. Phía trước là trận đánh, tình cảm thể hiện qua giấc mộng, có thực, có mơ. Dáng kiều thơm gợi lên cái dáng vẻ yêu kiều của người con gái thủ đô, chữ “thơm” được dùng với nghĩa như "sắc nước hương trời" vậy! Người chiến sĩ của Quang Dũng ra đi, mang theo cả phong thái hào hoa của người thanh niên trí thức, cái phong thái đã giúp người chiến sĩ sống bằng đời sống tâm hồn phong phú sau mỗi trận đánh ác liệt.

Cái cuộc sống tâm hồn ấy là nguồn động lực giúp người lính tiếp tục chiến đấu để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc thân thương. Và cũng vì thế, người chiến sĩ chấp nhận hy sinh:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

 Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Cứ thử làm công việc tách hai câu thơ thành từng câu một! Ôi! cái ấn tượng bi thảm đến vô cùng mà câu thơ đầu đem đến thật mạnh mẽ. Không hiểu sao, cứ mỗi lần đọc đến câu thơ này là tôi lại dừng lại chìm vào trong suy tưởng và nước mắt cứ rưng rưng! Trên con đường gập ghềnh xa thẳm của miền núi rừng biên giới, đoàn quân Tây Tiến cứ đi và thỉnh thoảng có những con người phải tách ra đội hình. Những nấm mộ của người chiến sĩ mọc lên. Câu thơ thật là bi thảm! Nhưng câu thơ sau, như một lực nâng vô hình đã đưa câu thơ đầu lên cao, cái bi thảm giờ đây đã trở thành bi tráng. Nó bi tráng và hào hùng bởi Quang Dũng đã nói được một điều cốt lõi trong nhân cách của người lính: biết hy sinh, biết gian khổ nhưng vẫn cứ ra đi giải phóng quê nhà. Họ ra đi chẳng tiếc đời xanh; bởi quãng đời tươi đẹp ấy đã hiến dâng cho một lý tưởng cao đẹp; chiến đấu vì Tổ quốc. Họ ra đi và ngã xuống thanh thản không một chút vướng bận, cái chết được xem nhẹ tựa lông hồng:

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

 Cách dùng từ "áo bào" của Quang Dũng làm cho câu thơ trở nên cổ kính. Áo bào chứ không phải chiến bào. Người chiến sĩ như những danh tướng thời xưa, da ngựa bọc thây là một điều vinh quang. Cũng như thế, người lính coi việc hy sinh trên chiến trường và thanh thản “về đất". Đất sinh ra anh và lại đón nhận anh về sau khi làm tròn nghĩa vụ. Anh “về đất” như một hành động tựu nghĩa của những anh hùng. Mở đầu bài thơ là hình ảnh sông Mã, kết thúc bài thơ vẫn là tiếng gầm réo của dòng sông; Dòng sông tiễn đưa anh và lại đón anh về:

Tây Tiến ngườì đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa, chằng về xuôi.

Quang Dũng khẳng định lại một lần nữa cái ý niệm ''nhất khứ bất phục hoàn" (Một ra đi là không trở lại). Đó cũng là ý chí quyết tâm của cả một thế hệ - của cả một thời đại.

Những gian khổ, hy sinh của cuộc kháng chiến là những kỉ niệm không thể nào quên. Sẽ không bao giờ còn có lại thời kỳ gian khổ đến mức ấy mà cũng hào hùng đến mức ấy. Và cũng khó có thể được một bài Tây Tiến thứ hai.

Câu hỏi liên quan

  • Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, có lời thoại:

    Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, có lời thoại:

    " Khôn! Việc nhà nó thu gọn được thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non".

    (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.62)

    Lời nói trên của nhân vật nào, nói về những ai, thể hiện thái độ gì với người được nói tới?

  • Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chij về ý kiến sau:
Một

    Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chij về ý kiến sau:

    Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa.

    (Theo sách Dám thành công - Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2008, tr. 90)

  • Trong đoạn kết truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao đã khuyên

    Trong đoạn kết truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục điều gì sau khi cho chữ? Câu nói “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”của viên quản ngục có ý nghĩa như thế nào?

  • Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (phần trích

    Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục − 2008). 

  • Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những

    Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật nào? Hình ảnh Hà Nội có ý nghĩa gì đối với đời sống tâm hồn Liên? (2,0 điểm)

  • Như một thứ a-xit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thểăn mòn cả một xã hội.
Từ

    Như một thứ a-xit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thểăn mòn cả một xã hội.

    Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay.

  • Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:                    
Sao

    Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:                    

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?                    

    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên                    

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc                    

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.                                      

    (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.46)                           

    Nhà em có một giàn giầu,                     

    Nhà anh có một hàng cau liên phòng.                           

    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,                      

    Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?                                      

    (Tương tư - Nguyễn Bính, Ngữ văn 11 Nâng cao,  Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.56)

  • Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn

    Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

    Gió theo lối gió, mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay?

    (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39)

    Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

    Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

    Lòng quê dợn dợn vời con nước,

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

    (Tràng giang - Huy Cận, Ngữ văn 11,  Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 29)

  • Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp

    Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

    Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

    Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

    Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

    Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên

    Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

    Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

    Và ởđâu trên khắp ru ộng đồng gò bãi

    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

    Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...

    (Đất Nước – Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 117 - 118)

    Phân tích đoạn thơ trên  để  làm rõ những cảm nhận riêng, độc đáo về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

  • Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người

    Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp c ủa người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

    Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.