(5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về taâm trạng nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
(Trích Từ ấy của Tố Hữu, SGK Ngữ văn 11, tr.44)
Học sinh có thể có nhiều cách khai thác, trình bày nhưng bài viết cần đạt đến những ý chính sau:
1. Giới thiệu chung: ( 0,5 điểm)
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, thơ ông tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị.
- Bài thơ "Từ ấy" đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu: sự kiện ông được kết nạp Đảng năm 1938. Hai khổ thơ đầu là niềm hân hoan, vui sướng của nhà thơ khi đón nhận lý tưởng cộng sản, cũng là lời thề hứa gắn bó cái tôi với cái ta, cá nhân với cộng đồng.
2. Cảm nhận về tâm trạng nhân vật trữ tình trong đoạn thơ: ( 4,0 điểm)
- Giây phút giác ngộ lí tưởng cộng sản - giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời nhà thơ - đã đem đến cho người thanh niên trẻ tuổi niềm vui lớn: khai thác các hình ảnh nắng hạ, mặt trời chân lí, vườn hoa lá, hương thơm, tiếng chim, các động từ mạnh bừng, chói, rộn… làm rõ tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. ( 1,5 điểm)
- Giác ngộ lí tưởng cộng sản với Tố Hữu, có nghĩa là giác ngộ lập trường giai cấp, gắn cá nhân mình với quần chúng nhân dân để tạo cho mình sức mạnh tinh thần to lớn: khai thác hình ảnh tôi - mọi người, hồn tôi - bao hồn khổ, khối đời, các động từ buộc, trang trải, gần gũi… ( 1,5 điểm)
- Nghệ thuật: ( 1,0 điểm)
+ Bút pháp trữ tình lãng mạn, hình ảnh thơ tươi sáng, giọng thơ sảng khoái, nhịp thơ dồn dập, hăm hở,… biểu hiện cảm xúc sôi nổi, cảm hứng lãng mạn tràn đầy.
+ Các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ được sử dụng hài hòa, hiệu quả.
3. Đánh giá chung: ( 0,5 điểm)
- Chất men say lãng mạn đã làm nổi bật bức hân dung tinh thần của người thanh niên cộng sản: yêu nước, say mê lí tưởng cộng sản, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.