(5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”.
(“Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”- Trích “Chinh phụ ngâm”- Đặng Trần Côn
(Đoàn Thị Điểm dịch(?) – Ngữ văn 10 tập hai, trang 87)
Yêu cầu: Phân tích đoạn thơ đủ ba phần, văn mạch lạc, rõ ràng, khai thác nghệ thuật làm bật nội dung, chữ viết dễ đọc, không mắc các lỗi thông thường về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
1. KHÁI QUÁT: (0,5 điểm)
- “Chinh phụ ngâm khúc” - bản chữ Hán của Đặng Trần Côn, bản chữ Nôm được cho là của Đoàn Thị Điểm - là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm là nỗi lòng của người phụ nữ có chồng ra trận đã lâu mà không rõ ngày trở về, qua đó cho thấy khát vọng hạnh phúc của con người trong xã hội cũ.
- Tám câu thơ trên trích từ đoạn "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" - tô đậm nỗi cô đơn lẻ bóng của nàng.
2. PHÂN TÍCH NỘI DUNG: (4 điểm)
- Nỗi cô đơn thể hiện qua các hành động:
+ Một mình dạo hiên vắng "từng bước" -> bước đi chậm rãi, nặng nề, mang đầy tâm trạng
+ Buông, cuốn rèm nhiều lần -> hành động lặp đi lặp lại như vô thức
+ Ngồi bên cửa mong tin vui mà “thước chẳng mách tin"
=> Tâm trạng ngổn ngang, rối bời, nỗi buồn lo thường trực trong nàng.
- Nỗi cô đơn thể hiện qua sự đối bóng giữa người chinh phụ và ngọn đèn khuya:
+ Đèn chỉ thời gian đêm tối => nỗi sầu muộn triền miên, trải dài theo thời gian. Ngọn đèn leo lét trở nên nhỏ bé trước đêm đen cũng như sự cô lẻ, nhỏ bé đến tội nghiệp của người chinh phụ.
+ “Đèn có biết… chẳng nên lời”: nàng chỉ có ngọn đèn làm bầu bạn nhưng nỗi lòng cũng chẳng thể sẻ chia => im lặng bất tận càng khiến nỗi cô đơn bị đẩy lên thành sự bế tắc và không gian thơ như đặc quánh lại.
- Đặc sắc nghệ thuật: Giọng thơ chậm rãi, khắc khoải, những câu hỏi tu từ chất chứa nỗi tủi hờn của một tấm lòng luôn khao khát tình yêu, hạnh phúc nhưng bị nhấn chìm trong sự chờ đợi mỏi mòn, vô vọng.
3. ĐÁNH GIÁ: (0,5 điểm)
Bằng tài năng miêu tả nội tâm nhân vật, ngôn ngữ chọn lọc, các biện pháp tu từ đặc sắc, tác giả đã khéo léo ghi lại nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ trong tình cảnh chia lìa. Từ đó cất lên tiếng nói đề cao hạnh phúc lứa đôi và tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa.