(5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn và niềm khao khát hạnh phúc của Xuân Quỳnh trong bài thơ “Sóng”.
1/ GIỚI THIỆU CHUNG: (0,5 điểm)
- Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc, có sắc thái rất riêng, đậm chất nữ tính của một tâm hồn phụ nữ rất thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương.
- Sóng được sáng tác năm 1967, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ là tiếng lòng chân thành, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn và niềm khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong tình yêu.
2/ NÊU CẢM NHẬN: (4,0 điểm)
a/ Về hình tượng "sóng" và "em" trong bài thơ: (1,0 điểm)
Trong bài thơ có hai hình tượng "sóng" và "em" song hành suốt toàn bài, khi tách rời, khi hòa nhập làm một.
- "Sóng" là biểu tượng cho khát vọng về tình yêu của người phụ nữ, tương đồng với sự phong phú, bí ẩn của tâm hồn người phụ nữ khi yêu.
- "Sóng" là hình ảnh biểu tượng cho tình yêu vĩnh hằng – Sóng cũng giống tình yêu trong mạch thời gian ngày xưa và ngày sau, quá khứ và tương lai bất diệt trước mọi đổi thay.
- "Sóng" là hình ảnh tượng trưng cho quy luật không thể cắt nghĩa của tình yêu.
- "Sóng" là biểu tượng cho tình yêu trong sáng, giản dị, chân thành, luôn thể hiện khát vọng về một tình yêu chung thủy và dâng hiến trọn vẹn, ý thức được sự trôi chảy của thời gian và sự nhỏ nhoi của kiếp người.
"Sóng" và "em" tuy hai nhưng lại là một, đều là nỗi lòng của người phụ nữ đang yêu, là sự phân thân và hóa thân của cái tôi trữ tình, từ đó diễn tả những cung bậc tình cảm mãnh liệt trong trạng thái yêu đương của người phụ nữ.
Vì vậy, cần phân tích được hình tượng "sóng" và "em" để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và niềm khao khát hạnh phúc của Xuân Quỳnh.
b/ Vẻ đẹp tâm hồn của của nhà thơ qua "Sóng": (1,5 điểm)
- Nét đẹp truyền thống: đằm thắm, dịu dàng, hồn hậu, dễ thương, chung thủy.
- Nét đẹp hiện đại:
+ Sự chủ động, táo bạo, mãnh liệt, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc, dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian nhưng vẫn tin vào sức mạnh của tình yêu.
+ Người phụ nữ ấy thủy chung nhưng không còn nhẫn nhục cam chịu nữa. Nếu “không hiểu nỗi mình” thì sông dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó để “ tìm ra tận bể”, đến cái cao rộng bao dung. “ Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không dừng lại ở mức độ tình yêu buổi đầu giản đơn, hò hẹn, non nớt, ngọt ngào mà là tình yêu hạnh phúc, với nhiều đòi hỏi ở chiều sâu tình cảm, với nhiều minh chứng thử thách mang đậm dấu ấn trách nhiệm” ( Phạm Đình Ân ).
c/ Niềm khao khát hạnh phúc mãnh liệt của nhà thơ: (1,0 điểm)
- Bài thơ thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng yêu và được yêu muôn thuở (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ).
- Khao khát khám phá sự bí ẩn của quy luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau ) .
- Luôn hướng tới một tình yêu thủy chung, son sắt ( Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương).
- Ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng, bất tử để làm đẹp cho cuộc đời ( Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).
d/ Đặc sắc nghệ thuật: (0,5 điểm)
- Ẩn dụ (mượn hình tượng sóng để thể hiện tình yêu một cách sinh động, gợi cảm)
- Thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng
- Ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi.
3/ ĐÁNH GIÁ CHUNG: (0,5 điểm)
- Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và niềm khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
- “Sóng” là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu.
- Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.